Văn hóa doanh nghiệp

Triết lý kinh doanh

Từ triết lý “Một đối tượng bất kỳ trong vũ trụ này nếu muốn duy trì lâu dài và phát triển được thì luôn luôn phải biết cân bằng và sẵn sàng thích ứng với các thay đổi”.

- Khuyến khích mọi cán bộ nhân viên luôn luôn tư duy sáng tạo để tạo nên đột phá và khác biệt

- Tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp bằng sự khác biệt. Luôn hiểu rằng “người chiến thắng không làm những điều khác biệt mà chính cách họ làm tạo nên sự khác biệt ”  

Lao động bằng huy động trí tuệ tập thể:

Xây dựng môi trường làm việc tích cực trong doanh nghiệp:

Văn hóa vững chãi và phát triển bền vững

Văn hóa vững chãi bị ảnh hưởng nhiều bởi toàn cầu hóa, nhưng toàn cầu hóa không phải là lựa chọn duy nhất. Thực tế cho thấy toàn cầu hóa tạo ra phản ứng dây chuyền phá vỡ sự bền vững. Hàng hóa và đầu tư có thể trở nên dồi dào nhưng bức màn bảo vệ cho sự bền vững trở nên mỏng manh. Các doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc lẫn nhau như các quốc gia hay các tổ chức phụ thuộc lẫn nhau vậy. Sự triệt tiêu đối thủ cạnh tranh chẳng khác nào triệt tiêu chính bản thân, giống như phản ứng dây chuyền của khủng hoảng tài chính không thể không ảnh hưởng đến quốc gia khác. Cho nên trông mong một đối thủ cạnh tranh hay một nền kinh tế sụp đổ chẳng khác nào nói dấu chấm hết đối với sự vững chãi của bản thân doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp không thể tự thân vững chãi nếu không có tính vững chãi của doanh nghiệp khác, cho dù ngành nghề đó thuộc cùng ngành nghề với doanh nghiệp, khác ngành nghề với doanh nghiệp hay thuộc loại ngành nghề hỗ trợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp mà thiếu tính vững chãi thì sớm muộn gì cũng chết, mà sự vững chãi đó không bao giờ được gầy dựng trong một sớm một chiều hay trong những kế hoạch gọi là tấn công cả. Văn hóa kinh doanh của Coca Cola không phải xây dựng trong một năm hay hai năm, văn hóa giáo dục của Oxford không phải có trong vài tháng, hay văn hóa phục vụ của HSBC không phải xuất hiện chỉ trong vài giờ đồng hồ triển khai. Tính vững chãi của các doanh nghiệp xây dựng trong sự cần mẫn và cẩn thận, trong đó ta xây dựng sự vững chãi từ nội tại, không phải từ những phương thức tìm cách triệt tiêu đối thủ. Văn hóa doanh nghiệp không phải là ép buộc nhân viên hay người khác đi theo một lề lối áp đặt, mà đó chính là sự hưởng thụ, hưởng thụ những gì đã có sẵn giữa những giá trị truyền thống và hiện đại, mà nói đến hưởng thụ thì phải có lựa chọn, có thực tập, có điển hình, có sự hài lòng. Ta thường hay cổ vũ cho việc phát triển thương hiệu mà quên cổ vũ cho phát triển văn hóa doanh nghiệp. Một khi văn hóa doanh nghiệp phát triển thì thương hiệu tự nhiên phát triển và vững mạnh. Thương hiệu chỉ là sự thừa hưởng từ thành quả của văn hóa doanh nghiệp đúng đắn. Điều này cho thấy văn hóa doanh nghiệp là nền tảng cho mọi sự thành công khác của doanh nghiệp, phát huy nó doanh nghiệp trở nên vững chãi và bền vững, thiếu vắng nó, doanh nghiệp trở nên sa sút và phá sản.

Văn hóa doanh nghiệp mang tính cộng đồng

Hoạt động doanh nghiệp gắn liền trách nhiệm xã hội và doanh nghiệp ý thức về trách nhiệm của mình đối với xã hội là doanh nghiệp có văn hóa.

Doanh nghiệp sống trong xã hội và do chính xã hội đó nuôi dưỡng, cho nên việc tôn trọng xã hội của doanh nghiệp là việc làm rất tự nhiên. Có doanh nghiệp lợi dụng thực hiện trách nhiệm xã hội để quảng bá hình ảnh, nhưng cho dù dưới hình thức nào, thực hiện trách nhiệm xã hội cũng góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa mang tính cộng đồng. 

Xã hội không chỉ là các đối tượng ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn là thiên nhiên và thế hệ tiếp nối. Doanh nghiệp hoạt động không thể diễn ra trôi chảy nếu như không có sự đóng góp của ngành vận tải, ngành ngân hàng, ngành giáo dục, ngành điện tử và nhiều ngành khác nữa. Đóng góp, sẻ chia và trân trọng các ngành nghề khác là tôn trọng bản thân doanh nghiệp, bởi vì sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các ngành nghề mới tạo nên mối liên kết kinh tế và gắn bó trong kinh tế. Trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên lúc nào cũng gắn liền với quyết định doanh nghiệp cho dù doanh nghiệp đó có trực tiếp khai thác thiên nhiên hay không nhưng những gì doanh nghiệp sử dụng đều từ thiên nhiên mà có. Trách nhiệm với thế hệ tiếp nối trong việc đảm bảo sức khỏe tiêu dùng, tạo dựng hình ảnh xã hội lành mạnh và tạo dựng đạo đức trong kinh doanh trở thành hình mẫu để thế hệ tiếp nối bắt chước, nuôi dưỡng cũng như cải thiện thêm, điều này hình thành văn hóa có trách nhiệm, mà có trách nhiệm chính là biết bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Tập trung vào xây dựng cái tâm của doanh nghiệp đồng nghĩa với xây dựng văn hóa cộng đồng. Người chủ không có tâm kéo theo cả một doanh nghiệp không có tâm. Tổng thống không có tâm thì cả quốc gia bị phá hoại. Khi có tâm ta không bao giờ quay lưng với cộng đồng nhân viên đang gặp khó khăn, không quay lưng với cộng đồng xã hội và không quay lưng với cộng đồng người tiêu dùng. Như lãnh đạo quốc gia không bao giờ quay lưng với nhân dân khi nhân dân đang trong tình thế nguy hiểm và đau thương nhất. 

Chữ tín đặt lên hàng đầu, mất chữ tín thì ta không là gì cả, doanh nghiệp mà mất chữ tín coi như phá sản, quốc gia mà mất chữ tín coi như mất nước, bởi vì lúc này không ai tin ta nữa cả, cộng đồng rời bỏ ta, cho dù sản phẩm có tốt cách mấy mà chữ tín không còn thì nói không ai nghe. Làm ăn thời buổi hiện nay rất khó khăn và giữ chữ tín không phải dễ, muốn làm được điều đó phải giữ lời hứa, đã nói thì phải làm và lời nói phải là sự thật, tôn trọng sự thật. Để giữ được lời hứa thì đừng hứa quá lớn, đừng ảo tưởng về cái mà mình không thể đạt được, phải biết rõ mình là ai, thực lực của mình là gì, tiềm năng của mình tới đâu. Lời hứa vừa đủ dễ dàng thực hiện hơn lời hứa trăng sao, khi thực hiện được lời hứa vừa đủ thành công thì thực hiện lời hứa tiếp theo, đừng vì sĩ diện đưa ra nhiều lời hứa cao siêu cùng một lúc mà tự đánh mất mình. 

Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài chịu lỗ hàng năm trời nhưng vẫn cười hả hê chỉ vì họ đang đầu tư xây dựng chữ tín, có chữ tín rồi làm gì cũng được, phát triển các chỉ tiêu khác sẽ trở nên dễ dàng. Doanh nghiệp mới thành lập lo chạy theo lợi nhuận quên mất chữ tín thì nguy to, giống như cái móng và cái nền nhà chưa vững đã lo xây thêm nhiều tầng nhà, gặp một cơn mưa nhẹ cũng bị ngập lụt hay ngã đổ. Bảo vệ chữ tín chính là xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang tính cộng đồng, vì doanh nghiệp chính là cộng đồng, nằm trong cộng đồng và chịu ảnh hưởng của cộng đồng. Khi cộng đồng tin vào doanh nghiệp, ái mộ doanh nghiệp thì chính cộng đồng là nguồn lực làm PR cho doanh nghiệp to lớn và thành công nhất.